Dưới thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức ở làng Long Thịnh, huyện Thọ Xương, phủ Thanh Đô, Ái Châu có người họ Vũ, tên Đạo lấy vợ là bà Phạm Thị Hũa, người làng Thanh Cương, huyện Cẩm Giàng, lộ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Họ Vũ vốn nho nhã, giỏi nghề thuốc chuyên trị bệnh cứu người. Ông bà là người sống giàu lòng nhân hậu, song lại hiếm muộn đường con cái. Ông thường than với vợ: Ta nghe, ông cha nhà ta trước đây đều ăn ở hiền lành. Đến đời ta cũng một lòng phúc đức mà sao đường con cái muộn màng? Hay vận hội thịnh suy, họa phúc khôn lường, lòng trời đạo người có gì thiếu sót mà trời chưa chứng. Nay ta lòng thành lập một đàn ở giữa sân cầu trời đất thấy điềm rồng vàng xuất hiện, biết rằng đại phúc đó đến với gia đình.
Từ khi ông mộng thấy điềm rồng vàng được một trăm ngày thì bà thụ thai. Bà mang thai 14 tháng mà chưa sinh nở, mọi người không rõ thực hư ra sao nên rất lo sợ. “Ở hiền gặp lành", đến tháng 3 năm Nhâm Thìn (1472), trong dịp Thái bà theo cha về quê ngoại (làng Sượt) dự hội chùa lễ Phật. Không ngờ lòng trời xui khiến, sáng ngày mồng 10, khi bà đi hội chùa, về đến bên giếng đất đầu làng thì trở dạ, sinh hạ một quý tử, mặt mũi khôi ngô, hàm én, mắt phượng, mày ngài, tướng mạo khác thường. Dân làng đưa mẹ con bà về nhà hết lòng chăm sóc.
Nhận được tin mừng, Vũ công ra quê ngoại đón hai mẹ con Thái bà về Long Thịnh, được một trăm ngày đặt tên là Vũ Hựu. Ngay từ lúc nhỏ, Vũ Hựu đó nổi tiếng là người thông minh, trí dũng, thần đồng ứng khẩu và rất ham luyện rèn võ nghệ. Năm 11 tuổi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, được ông ngoại đón về nuôi và cho theo học Lỗ Tiên Sinh. Học được ba năm thì lầu thông kinh sử, văn chương cẩm tú, võ nghệ điêu luyện, mọi người ở Long Thịnh rất kính phục. Năm 16 tuổi, ông theo ông ngoại về quê mẹ Thanh Cương. Thấy ông thông minh, tướng mạo đường hoàng, thân hình cao lớn, dân làng Sượt mời ông làm hương sư, dạy trẻ trong làng. Từ đó, ngày lại ngày ông chuyên tâm dạy trẻ học hành, vui với đạo thánh hiền, sớm chiều đọc sách và luyện tập võ nghệ, đến khi sức có thể nhấc nổi vạc, thế có thể rời non. Năm ông 21 tuổi, Triều đình mở khoa thi kén người hiền tài, ông lên kinh ứng thi. Ở trường thi văn, ông thi đỗ Hoàng Giáp, ở trường thi võ đỗ Tạo Sỹ. Khi vào yết kiến, nhà vua hỏi những việc trị quốc an dân, ông đều ứng đối trôi chảy, vua Lê rất mừng, liền ban thưởng và cho về làng “Vinh quy bái tổ", phong làm Tham nghị triều chính. Vài năm sau lại phong giữ chức Đô đài ngự sử. Trước đức độ và tài năng xuất sắc của ông, nhà vua rất hài lòng, tin tưởng, bổ nhiệm ông làm Đốc trấn hai xứ Kinh Bắc và Sơn Nam. Suốt 10 năm nhờ ơn đức của ông mà dân hai sứ yên vui, mọi nhà ấm no hạnh phúc.
Bấy giờ, ở vùng Hưng Hóa và Tuyên Quang, chúa động người Mán thông đồng với Ai Lao làm loạn. Vua Lê phong Vũ Hựu làm Thái phó đại tướng quân, đem quân đi dẹp. Sau nhiều trận giao chiến ác liệt, ông bắt được chúa động là Thổ Bảo, chém đầu tướng Ai Lao đem về tế dưới cờ. Đại thắng trở về, ông được vua phong làm thượng thư bộ hình. Từ đây, vua tôi hiệp đức, thiên hạ thái bình, ở đâu có giặc cướp ông đều thân chinh cầm quân đi đánh dẹp, uy danh lẫy lừng, công danh bậc nhất. Lúc này, Vũ công làm việc tại Kinh đô, ông mang hết trí tuệ, tài năng của mình thờ vua, giúp nước.
Cuối đời, vua Lê Chiêu Tông bị một số gian thần xúi bẩy, họ Mạc thao túng triều chính, mưu toan chiếm ngôi vua. Ông đã hết lòng can ngăn, song không được vua Lê nghe theo, bèn dâng biểu lui về quê sống cuộc đời đạm bạc, thanh nhàn. Mấy năm sau, giặc Chiêm tiến vào vùng đất phía Nam đất nước, cướp phá phủ Thanh Đô, giết hại dân lành, quan quân triều đình chống đỡ không nổi, vứt bỏ khí giới thua chạy. Trước nguy cơ thất trận, mất nước, vua Lê vô cùng lo lắng, vội sai sứ mang chiếu chỉ về tận nơi, triệu ông đi dẹp giặc. Sẵn tấm lòng đức độ “Trung quân, ái quốc", ông liền đứng lên chiêu mộ hơn nghìn dân binh ở hai quê nội ngoại, kéo quân về triều yết kiến. Vua cả mừng và nói với ông: “Trẫm không phụ ông, sao ông nỡ phụ trẫm, nay quốc gia an nguy đều trông chờ vào ông cả". Nói xong, Nhà vua phong ông làm Đốc lĩnh thiên hạ đại tướng quân, mang hùng binh đi diệt giặc. Phụng mệnh vua, ông chia quân thủy bộ, bày trận, tiến đánh quân Chiêm. Sau nhiều trận chiến ác liệt, trước sức mạnh và khí thế của quân triều đình, quân giặc không chống cự nổi, bị đánh đại bại phải rút chạy về nước, bờ cõi lại sạch búng quân thù. Ông mang quân chiến thắng trở về, Ông được vua Lê ban cho phẩm hàm, chức tước, phong làm Đại vương và thưởng cho 100 hốt vàng, 1000 cuốn gấm nhưng ông chỉ xin vua cho về quê nghỉ ngơi, vui thú điền viên với dân làng. Khi về đến núi Vân Đài, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia - Thanh Hóa, ông lên núi ngắm cảnh non sông đất nước, bỗng trời đất tối sầm, sấm chớp nổi lên ầm ầm và ông hóa luôn ở đó. Hôm ấy là ngày 6 tháng 11 năm Canh Thìn (1520). Vua được tin thương tiếc vô cùng, sai đình thần đến làm lễ an táng và cho lập đền thờ trên núi, cho phép dân làng hai bên nội, ngoại được lập đền thờ cúng. Vua Lê Chiêu Tông truy phong cho ông là Đại Vương và phong làm “Thượng đẳng phúc thần", sau lại sắc phong “Minh quốc linh ứng, hiển hựu đại vương". Giao cho ba nơi thờ chính; hàng năm, triều đình về tế; còn các nơi khác thì thờ cúng, tất cả có 24 nơi phụng sự. Sắc chỉ cho hai quê nội, ngoại thờ cúng muôn đời và được miễn phu phen tạp dịch. Từ đó hàng năm, cứ đến ngày 10 tháng 3 (Âm lịch), dân làng Thanh Cương lại long trọng mở hội kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh.
Di tích Đền - Đình Sượt là nơi lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hoá quý báu được các thế hệ người dân Thanh Cương trân trọng, bảo vệ và phát huy. Vì vậy, di tích Đền - Đình Sượt đã được Nhà nước xếp hạng "Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật" cấp quốc gia năm 1993. Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của khu di tích, ngay sau khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia, Uỷ ban nhân dân phường đó thành lập Ban quản lý di tích Đền - Đình Sượt. Tiếp đó, Lễ hội Đình – Đền Sượt được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2020 và quyết định công nhận di tích Đình – Đền Sượt là điểm đến du lịch năm 2021. Di tích được tu bổ, tôn tạo từng bước để đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân bản địa và du khách thập phương, đồng thời xây dựng và mở rộng để di tích trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu của thành phố Hải Dương và của tỉnh Hải Dương. Khu di tích đó và đang trở thành một thiết chế văn hoá, nơi giáo dục cộng đồng chứa đựng trong đó những nét văn hoá vật thể và phi vật thể truyền thống đặc sắc của nền văn minh lúa nước của đất và người tỉnh Đông xưa - Hải Dương ngày nay.
Lễ hội truyền thống Di tích Đền - Đình Sượt vẫn được duy trì và phục dựng hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch, các nghi lễ hoạt động đặc sắc: Nấu rượu Hoàng tửu, lễ rước, lễ tế, lễ dâng hương, làm cỗ thượng tiến... Phần hội có các hoạt động: Thi giã bánh giầy, đấu vật, bơi chải và nhiều trò chơi dân gian khác…thu hút đông đảo nhân dân và quý khách thập phương.